Vịnh Hạ Long không chỉ được thiên nhiên ban cho vẻ đẹp hùng tráng đến bất tận mà còn chứng kiến những dấu chân thời gian trải dài từ thời tiền sử. Đến ngày nay, văn hóa Hạ Long vẫn được bảo tồn, lưu giữ trong đời sống, trở thành một nét đẹp rất riêng khiến du khách mê mẩn khi ghé thăm vùng đất di sản này.

Hạ Long là cái nôi văn hóa của người Việt cổ

Khu vực Hạ Long, Quảng Ninh rất đặc biệt trong nghiên cứu khảo cổ học. Vùng đất này là một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi giao thoa của 3 nền văn hóa. Văn hóa Hạ Long, văn hóa Cái Bèo và đặc biệt là văn hóa Soi Nhụ được hình thành lần lượt tại Hạ Long, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm. 

Các nghiên cứu khảo cổ học và văn hóa học cho thấy những sự hiện diện rất sớm của người tiền sử tại Hạ Long. Cụ thể, văn hóa Soi Nhụ xuất hiện trong khoảng 18.000 – 7.000 năm TCN, văn hóa Cái Bèo trong khoảng 7.000 – 5.000 năm TCN và văn hóa Hạ Long (Đanh-Đô-La) là 3.000 – 1.500 năm TCN.

Văn hóa Soi Nhụ

Văn hóa Soi Nhụ là nền văn hóa cổ lâu đời tại vùng vịnh Hạ Long. Các di tích văn hóa tập trung tại các đảo đá vôi, hang động trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, tiêu biểu là động Mê Cung, hang Thiên Long, hang Tiên Ông,…. Cư dân thời này chủ yếu kiếm ăn bằng hái lượm và thu hoạch sò, ốc, hải sản.

Động Mê Cung hạ long

Văn hóa Cái Bèo

Tiếp nối sau văn hóa Soi Nhụ là văn hóa Cái Bèo. Đây là nền văn hóa đa dạng với nhiều di tích hiện hữu tới tận ngày nay như làng chài Cái Bèo, Giáp Khẩu và Hà Giát,… Di chỉ Cái Bèo nằm tại làng chài Cái Bèo là điểm tham quan hấp dẫn với du khách trên các tour du thuyền Hạ Long, tham quan vịnh trong ngày. Cư dân văn hóa Cái Bèo chủ yếu kiếm sống bằng việc khai thác hải sản tại chỗ, săn bắn động thực vật trên đảo đá vôi ngày nay, hái lượm hoa quả,…

Làng chài Hạ Long

Văn hóa Hạ Long

Riêng với văn hóa Hạ Long cách đây 3.500 – 5.000 năm chia thành 2 giai đoạn là giai đoạn sớm (Thoi Giếng) cách đây 5.000 – 6.000 năm và giai đoạn muộn (Hạ Long) cách ngày nay 3.000 – 4.000 năm.

Giai đoạn sớm là giai đoạn biển xâm thực (biển tiến) Holocen làm môi trường tự nhiên của người dân Cái Bèo dần mất đi. Họ đã di chuyển dần lên những vùng đất cao phía Đông Bắc như đảo Cái Bèo, đảo Cái Chiên, đảo Vĩnh Thực,… rồi lại di cư về vùng biển Hải Ninh cũ. Trong giai đoạn này, cư dân đã phát triển thêm các nghề thủ công, chế tạo công cụ đá cuội. Sau đó họ đã phát triển các công cụ mài theo truyền thống văn hóa Bắc Sơn như rìu mài lưỡi, rìu mài lan thân, làm gốm,… Cho đến nay có khoảng 25 điểm thuộc văn hóa Hạ Long sớm như Thoi Giếng, Dốc Gò Mừng, Gò Chùa, Gò Bảo Quế, Quất Đông Nam,… có tên gọi chung là Thoi Giếng.

van hoa ha long 4

Giai đoạn muộn bắt đầu sau khi nước biển rút dần, cư dân văn hóa Hạ Long quay trở lại môi trường sống nguyên thủy, phân bổ rộng khắp tại các hang động thuộc vịnh Hạ Long, đồng bằng cổ, đồi cát, vùng ven biển và chân núi. Người Hạ Long phát triển mạnh kỹ thuật chế tác khoan đá chuốt bóng, cưa đá, rìu bôn có vai, nghề làm gốm, nghề khai thác biển. Các di chỉ lưu giữ văn hóa Hạ Long muộn là hang Soi Nhụ, đảo Ngọc Vừng, hang Bái Tử Long, Cái Dăm, Vườn Hoa, Bãi Bến, Cái Bèo,….

van hoa ha long 3

Du khách muốn khám phá văn hóa Hạ Long có thể ghé thăm, tìm hiểu tại các làng chài cổ trên vịnh với những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo như hò, vè, hát giao duyên, lễ hội, …

Những nét đặc sắc của văn hóa Hạ Long

Văn hóa Hạ Long cách đây 3.000 – 4.000 năm có sự giao thoa văn hóa khá rộng rãi trong khu vực Đông Nam Á và phía nam Trung Quốc, trở thành nền văn hóa độc đáo, giá trị to lớn bậc nhất, góp phần hình thành nhà nước Văn Lang sau này.

Văn hóa Hạ Long là nền văn hóa biển cổ đặc sắc ngay từ cội nguồn gốc rễ. Văn hóa được định hình từ biển, duy trì nhờ khai thác tài nguyên biển và phát triển nhờ các hoạt động trên biển. Kỹ nghệ di chuyển trên biển, khai thác biển từ xa đã được cư dân Hạ Long nắm bắt thuần thục từ rất lâu. Các di tích cư trú của nền văn hóa này rất phong phú từ ngoài trời, hang động và mộ táng. 

van hoa ha long 1

Bên cạnh đó, văn hóa Hạ Long có tính giao thoa rất lớn. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của nền văn hóa này trên các di chỉ của văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Hoa Lộc và văn hóa Bàu Tró, lan tỏa đến Thái Lan và Philippines. Người Hạ Long cùng người Phùng Nguyên đã sát cánh cùng khai thác vùng biển cửa biển Bạch Đằng, tiến sâu vào đất liền, đóng vai trò mở màn cho tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Hạ Long gắn liền với thế hệ công nhân mỏ thời kỳ cách mạng

Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung là vùng khai thác than lâu đời, rộng lớn. Từ thời Pháp thuộc, hoạt động này tại khu vực Hồng Quảng (Hòn Gai và Cẩm Phả ngày nay) đã diễn ra sôi động. Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân các khu mỏ đã đứng lên đấu tranh, giành chính quyền về tay công nhân và nhân dân lao động. Rồi đến ngày 25/4/1955, sau khi Pháp thất bại tại trận chiến Điện Biên Phủ, nhân dân khu mỏ Hồng Quảng hân hoan chào mừng quân giải phóng về tiếp quản. Ngày 25/4 đã trở thành ngày lịch sử, ngày kỉ niệm Giải phóng Vùng mỏ. Từ đây những người thợ mỏ lại bắt tay và sản xuất than với tâm thế của “người chủ”.

van hoa ha long 7 - cong nhan mo

Qua nhiều thời kỳ, đội ngũ công nhân thợ mỏ Hồng Quảng không ngừng lớn mạnh. Các thế hệ thợ mỏ nối tiếp nhau sinh sống, lập nghiệp trên Vùng mỏ, tạo thành những “làng mỏ”, góp phần xây dựng văn hóa công nhân mỏ rất riêng cho khu vực Hạ Long – Cẩm Phả. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân mỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử cách mạng đã trở thành bệ đỡ vững chắc để thành phố Hạ Long phát triển ấn tượng hôm nay.

Văn hóa là động lực để Hạ Long phát triển

Với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, vị trí là thành phố trung tâm đầu mối dân cư, văn hóa – thể thao – du lịch của Quảng Ninh nên Hạ Long được đầu tư xây dựng nhiều công trình như Bảo tàng và thư viện Quảng Ninh, Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ, “Cung cá heo” Quảng Ninh. Thành phố Hạ Long hiện đại là trung tâm văn hóa vùng Đông Bắc Tổ quốc. Thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ, hoạt động thể thao, triển lãm, các sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài nước. Đây đều là những dịp lý tưởng để Hạ Long quảng bá giá trị văn hóa, nét đẹp người Hạ Long tới bạn bè và du khách.

van hoa ha long 8 - carnaval ha long

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại thành phố Hạ Long được thực hiện nghiêm túc và bài bản. Trên địa bàn thành phố hiện có 96 di tích (trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt và 6 di tích cấp Quốc gia) cùng hoạt động của hơn 10 lễ hội truyền thống hằng năm. Ngoài ra thành phố cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa – du lịch như Tuần lễ du lịch Hạ Long, Lễ hội Carnaval Hạ Long, Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội cấp sắc đồng bào Dao Thanh Y,…

Đến với Hạ Long, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc tựa chốn bồng lai của vịnh di sản, tận hưởng trải nghiệm du lịch Hạ Long đáng nhớ mà còn có cơ hội tìm hiểu về hành trình văn hóa – lịch sử thú vị của vùng đất này.