Ít ai biết rằng, đằng sau vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của vịnh Hạ Long lại ẩn chứa một truyền thuyết ly kỳ, gắn liền với tình thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của người Việt. Chắc hẳn bạn cũng đang rất tò mò muốn biết? Cùng theo chân Thomas Kim Travel khám phá truyền thuyết lịch sử vịnh Hạ Long trong bài viết này nhé!
Vịnh Hạ Long và truyền thuyết rồng hạ cánh
Truyền thuyết kể rằng, từ những ngày đầu lập nước, người Việt đã nhiều lần phải đấu tranh với giặc ngoại xâm tấn công theo đường biển. Cảm thương trước tinh thần đoàn kết dân tộc của người Việt ta, Ngọc Hoàng đã sai Rồng Mẹ cùng đàn Rồng con xuống trần gian để giúp đỡ người dân Việt Nam. Vào khoảnh khắc giặc ngoại xâm ồ ạt tiến vào bờ, đàn Rồng xuất hiện, phun lửa thiêu cháy thuyền giặc, phun châu nhả ngọc tạo nên những hòn đảo đá vôi sừng sững, chặn đứng con đường tiến quân của giặc. Nhờ có sự giúp đỡ của đàn Rồng, quân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang.
Sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, Rồng Mẹ và đàn Rồng con thấy mảnh đất này thật yên bình, cây cối xanh tươi, con người cần cù, chịu khó nên đã quyết định ở lại trần gian, hóa thân thành những hòn đảo đá vôi để bảo vệ con dân Đại Việt muôn đời. Ngày nay, khu vực Rồng mẹ đáp xuống là vịnh Hạ Long, còn đàn Rồng con hạ cánh là vịnh Bái Tử Long.
Nguồn gốc lịch sử về tên gọi Hạ Long
Truyền thuyết rồng hạ cánh đã phần nào làm rõ tên gọi “Hạ Long” của vùng đất di sản này. “Hạ” nghĩa là đáp xuống, “Long” nghĩa là rồng. “Hạ Long” ghép lại có nghĩa là “Rồng xuống”, ý chỉ nơi Rồng hạ xuống.
Trước thế kỷ 19, cái tên “vịnh Hạ Long” chưa xuất hiện trong thư tịch cổ của Việt Nam. Thời kỳ đó, nơi đây được gọi bằng nhiều tên khác như Lục Châu, An Bang, Hải Đông…
Đến cuối thế kỷ 19, tên gọi “Hạ Long” bắt đầu xuất hiện trên bản đồ hàng hải vẽ về khu vực Bắc Bộ của người Pháp và trên một số ấn phẩm báo chí bằng tiếng Việt, tiếng Pháp. Một bài báo bằng tiếng Pháp với tiêu đề “Rồng xuất hiện trên vịnh Hạ Long” in trên tờ “Tin tức Hải Phòng” đã đưa tin về sự kiện một thủy thủ người Pháp chứng kiến hiện tượng lạ liên quan đến “Hạ Long”. Tóm tắt bài báo như sau: Năm 1898, thuyền trưởng A-va-lăng-sơ cùng rất nhiều thủy thủ đã bắt gặp một đôi rắn biển khổng lồ trên vịnh Hạ Long và liên tưởng giống con Rồng trong trí tưởng tượng của người châu Á. Sự xuất hiện của con vật giống hình con Rồng mà vùng biển này được mang tên là vịnh Hạ Long (theo sách Văn hóa nghệ thuật Quảng Ninh, từ một góc nhìn, Quảng Ninh, 2002).
Sau khi Việt Nam giành độc lập, tên gọi “Hạ Long” được sử dụng rộng rãi trong các văn bản hành chính, nghiên cứu khoa học và các tài liệu du lịch. Năm 1994, khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, tên gọi “Hạ Long” đã trở thành biểu tượng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lịch sử địa chất của vịnh Hạ Long
Lịch sử hình thành địa chất của vịnh Hạ Long kéo dài 570 triệu năm, được chia làm 3 thời kỳ tạo sơn chính:
- Cuối thời kỳ Silur (khoảng 410 triệu năm trước): Thời kỳ hình thành sơn ngoại địa máng Caledonide, trầm tích cacbonat lắng đọng ở vùng biển nông tích tụ thành lớp dày, cuối cùng đạt độ dày 1.200m. Đây là điều kiện hình thành cảnh quan núi đá vôi đặc trưng.
- Cuối kỷ Triassic (khoảng 200 triệu năm trước): Thời kỳ hình thành nền tảng Indosinide. Dấu tích mục nát của những khu rừng dương xỉ khổng lồ là cơ sở hình thành các mỏ than trong khu vực.
- Cuối kỷ Paleogen (khoảng 30 triệu năm trước): Quá trình tạo sơn Alpide đã tạo ra sự phân biệt Địa lũy (Horst) và vùng trũng địa hào, là cơ sở hình thành vịnh Hạ Long sau này.
Vịnh Hạ Long ngày nay là một đồng bằng núi đá vôi đã bị nước biển nhấn chìm. Đây là kết quả của lịch sử hình thành địa chất kéo dài hơn một trăm triệu năm.
Ly kì truyền thuyết về những hang động vịnh Hạ Long
Bên cạnh truyền thuyết rồng hạ xuống, vịnh Hạ Long còn ẩn chứa vô vàn chuyện ly kỳ khác. Mỗi hang động trong lòng vịnh Hạ Long lại ẩn chứa những truyền thuyết khác nhau. Cùng khám phá nhé!
Truyền thuyết về hang Đầu Gỗ
Không chỉ thu hút bởi những nhũ đá và măng đá kỳ ảo, đầy màu sắc, hang Đầu Gỗ còn kéo du khách đến vịnh Hạ Long qua những câu chuyện truyền thuyết thú vị.
Truyền thuyết hang Đầu Gỗ có nhiều phiên bản, nhưng nổi tiếng nhất là truyền thuyết về chiến thắng sông Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo. Vào thế kỷ 13, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt, hang Đầu Gỗ chính là nơi danh tướng Trần Hưng Đạo lựa chọn để tập kết và cất giấu các cọc gỗ lim. Sau khi chiến thắng, một số cọc gỗ còn sót lại tại hang đã trôi dạt vào bờ, tạo nên tên gọi “hang Đầu Gỗ”.
Truyền thuyết hang Trinh Nữ và hang Trống
Truyền thuyết về Hang Trinh Nữ và Hang Trống gắn liền với một câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng hết sức bi thương. Ngày xửa ngày xưa, ở một làng chài ven biển, có một cô gái vô cùng xinh đẹp. Tuy nhiên, vì gia đình nghèo khó, cô phải đi làm thuê cho một tên địa chủ tàn ác. Hắn thấy cô dễ mến thì bèn ép gả cô làm vợ bé. Nhưng cô gái đã từ chối vì trái tim đã thuộc về một chàng trai làng chài chất phác.
Vì không thuyết phục được, tay địa chủ tàn ác đã đày cô ra đảo hoang. Trong những ngày bị đày nơi đảo hoang, vì không có thức ăn và nước uống, cô gái kiệt sức và hoá đá. Người dân sau này đặt tên hang là Hang Trinh Nữ, biểu tượng cho sự trong trắng và chung thủy.
Còn về phần chàng trai, sau khi nghe tin cô gái bị đày ra đảo hoàng liền vội vã trở về tìm. Chàng tìm kiếm khắp nơi và cuối cùng phát hiện ra cô đã hóa đá ở Hang Trinh Nữ. Trái tim đau đớn, chàng dùng hòn đá đập vách núi, mong muốn tiếng vọng có thể đến được với cô gái. Ngày qua ngày, chàng kiệt sức và hóa đá trong hang, từ đó hang được gọi là Hang Trống.
Truyền thuyết động Thiên Cung
Động Thiên Cung không chỉ khiến du khách say đắm bởi vẻ đẹp lộng lẫy như chốn thiên đường mà còn gắn liền với một truyền thuyết về tình yêu của Rồng và Phượng.
Truyền thuyết kể rằng, từ thời xa xưa, có một đôi Rồng và Phượng yêu nhau say đắm. Họ quyết định tổ chức lễ cưới tại một hang động tuyệt đẹp nằm giữa biển khơi. Để chuẩn bị cho hôn lễ, tất cả các loài chim muông, thú rừng và các sinh vật biển đều chung tay trang trí hang động, tạo nên một khung cảnh lộng lẫy và huyền ảo.
Trong ngày cưới, các vị thần trên trời cũng xuống chúc phúc cho đôi uyên ương. Ánh sáng từ các vì sao chiếu rọi xuống làm động lung linh như một cung điện thiên đình. Vì thế, hang động được đặt tên là Động Thiên Cung, mang ý nghĩa nơi ở của thần tiên.
Vịnh Hạ Long không chỉ sở hữu vẻ đẹp kỳ quan thiên nhiên thế giới, mà còn ẩn chứa những truyền thuyết ly kỳ, nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hiểu thêm về những truyền thuyết vịnh Hạ Long sẽ cho bạn trải nghiệm mới lạ khi đến tham quan vùng đất di sản.